Friday, April 15, 2011

“Câu khách” bằng áo trắng… học trò

 

Chủ quán đã khéo léo khoác cho các nữ tiếp viên chiếc áo sinh viên, học sinh để tăng thêm phần hấp dẫn. Để giữ "áo trắng học trò", quán này không cho các em ngồi với khách mà chỉ có đứng cạnh bên và mức độ ôm cũng vừa phải, nhẹ nhàng. Với những khách quá trớn, các em cũng được dạy cách từ chối khéo léo hoặc tỏ vẻ ngượng ngùng, khó chịu của một cô gái từ quê mới lên thành phố học hành.

image
 

Theo một báo cáo tổng kết của UBND TP HCM vào năm 2006 thì thời điểm này trên toàn TP HCM có khoảng 25.000 cơ sở (bao gồm cả kinh doanh có phép và không phép) kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" dễ phát sinh tệ nạn xã hội (TNXH). Trong đó có 47 cơ sở khiêu vũ, 880 quán karaoke, gần 8.000 nhà hàng, hơn 3.000 khách sạn, còn lại là điểm massage, cà phê nhạc, hớt tóc thanh nữ… Vậy trong số cơ sở "nhạy cảm" đó có bao nhiêu cơ sở đã phát sinh TNXH?

Từ bia ôm "nhẹ nhàng"
Thế giới bia ôm ở TP HCM hiện nay có thể chia thành ba loại, loại thứ nhất là kiểu bia ôm "nhẹ nhàng". "Đại diện tiêu biểu" cho kiểu bia ôm "nhẹ nhàng" hiện nay là quán Tr.Ch. nằm gần giao lộ Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng Tám thuộc địa bàn quận 3. Quán này trông vẻ bên ngoài chẳng khác nào một quán nhậu bình thường nhưng phía trên lầu 1 lại là một thế giới khác.
Ở đó, các cô tiếp viên chẳng chịu xả láng nhưng lại gây sự chú ý và thích thú với nhiều khách nhậu ở tuổi trung niên. Chính vì thế mà quán luôn đông nghẹt khách, muốn nhậu trong phòng lạnh thì khách phải điện thoại đặt phòng trước ít nhất 1 tiếng đồng hồ.
Nhiều lần đến quán này tìm hiểu thì tôi mới phát hiện ra rằng, "độc chiêu" mà người chủ quán thể hiện ở đây chính là đội ngũ tiếp viên trẻ đẹp, trông còn vẻ ngây ngô, thậm chí có em chân còn đóng phèn mà đó mới chính là điểm mà các ông khách lấy làm thích thú.

image

Không chỉ có lợi thế tiếp viên "Hai lúa", người quản lý của quán này còn khôn khéo khoác cho các tiếp viên chiếc áo sinh viên, học sinh để tăng thêm phần hấp dẫn. Để làm được việc này, quản lý xem em nào chân dài, dễ thương thì là "sinh viên trường du lịch, trường sân khấu điện ảnh"; em nào cục tính, ít nói thì "trung cấp kế toán, trung cấp tin học"; em nào ít chữ, ngây ngô thì "bổ túc văn hóa, học viên trường dạy nghề"… Sau khi gán ghép xong xuôi, các em cũng được đưa đi tiếp cận nơi trường tọa lạc rồi được dạy dăm ba thuật ngữ về chuyên ngành… thế là thành học sinh, sinh viên.
Để giữ "áo trắng học trò", quán này không cho các em ngồi với khách mà chỉ có đứng cạnh bên và mức độ ôm cũng vừa phải, nhẹ nhàng. Khách nào quá trớn các em cũng được dạy cách từ chối khéo léo hoặc tỏ vẻ ngượng ngùng, khó chịu của một cô gái từ quê mới lên thành phố học hành vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó mới cắn răng làm tiếp viên quán nhậu. Chính điều này đã làm không ít khách nhậu chẳng tiếc tiền "boa" và sẵn sàng chi thêm mỗi khi em cần tiền "học phí", ba mẹ bị bệnh, sửa chữa lại nhà… nhưng tất cả chỉ là giả dối.
Tương tự như quán Tr.Ch. là quán B.L. nằm trên đường Kỳ Đồng và quán H.Y. trên đường Lê Quý Đôn cũng thuộc địa bàn quận 3. Tiếp viên của các quán này không giả dạng sinh viên, chẳng kêu than kể khổ, cũng không ngồi với khách nhưng chỉ có "chiêu" nhỏ và xem ra cũng khá hiệu quả là hay "vô tình" để lộ nhiều phần "nhạy cảm" trên cơ thể. Thi thoảng cũng để cho khách ôm ấp nhẹ nhàng.

Đến bia ôm "thuần túy"
Bia ôm "thuần túy" tức có tiếp viên ngồi phục vụ khách và phải thỏa mãn nhu cầu… ôm! Quán loại này chiếm phần đông trong số quán bia ôm nói chung ở TP HCM và khách phần lớn là những người mới bước vào con đường ăn nhậu "tăng hai". Hiện tại, ở nội thành TP HCM, bia ôm "thuần túy" có mặt trên rất nhiều tuyến đường chính ở quận 1, quận 3, quận 5 như đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hùng Vương, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu…
Nhưng chỉ có mỗi con đường mà khi nhắc đến giới ăn chơi ai cũng biết, đó chính là đường Trần Quang Khải thuộc địa bàn quận 1. Con đường dài chỉ trên dưới 1km (chạy dài từ đường Hai Bà Trưng đến Đinh Tiên Hoàng) này lại có đến cả chục quán bia ôm mà quán nào cũng có lượng tiếp viên đông đảo. Phương thức hoạt động, tổ chức của các quán ở đây cũng na ná như nhau: quán nào cũng có vài ba "má mì", mỗi "má mì" quản trên dưới 10 tiếp viên và tùy theo nhu cầu của khách thích tiếp viên theo gu kiểu nào sẽ được quản lý bố trí cho "má mì" kiểu đó.
Trong số những quán nêu trên, có quán từng bị đóng cửa nhưng sau đó lại thay chủ rồi xin giấy phép mới và tiếp tục hoạt động bán bia ôm… Đặc biệt, hầu hết các quán này chỉ đăng ký kinh doanh nhà hàng nhưng đều có karaoke và các tiếp viên chẳng ai có hợp đồng lao động. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao mà các quán này vẫn tồn tại từ nhiều năm qua…

Và bia ôm "quằn quại"
Bia ôm "quằn quại", có ranh giới rất mong manh với tệ mại dâm. Đó là bia ôm theo kiểu nhà hàng Vân Nhi, nằm trên địa bàn quận Phú Nhuận đã bị Công an triệt phá. Các tiếp viên ở nhà hàng này không chỉ "trần như nhộng" mà còn có những màn biểu diễn thoát y rợn người mà chúng tôi không tiện kể ra đây.
Sau khi ổ tệ nạn này bị triệt phá, Đoàn kiểm tra liên ngành 814 các cấp trước đây và nay là Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội cũng đã tiến hành kiểm tra và xử lý nhiều quán bia ôm có tiếp viên "quậy" tưng bừng như nhà hàng Thiên Thanh Hải, nhà hàng Hương Xuân (đều ở quận Bình Thạnh)… nhưng chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Vì trên thực tế hiện nay, bia ôm "quằn quại" có dấu hiệu ngoi đầu trở lại.
Nổi đình nổi đám trong số này là quán nhậu số 3… nằm trên đường Nơ Trang Long thuộc quận Bình Thạnh. Các tiếp viên ở đây sau khi đã ngà ngà say sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của khách như nhảy múa thoát y, biểu diễn những trò rùng mình mà dân chơi hay gọi là "múa lửa". Sau cùng, nếu khách có nhu cầu mua dâm thì sẽ được quán bố trí phòng trên lầu với giá 300 ngàn đồng/lần...

Cà phê Thanh Đa vẫn dập dìu "cảnh nóng"

image 
quán Cỏ Hoa tại thanh đa vào giấc ngủ trưa chuẩn bị cho ca làm việc bận rộn buổi đêm
Một thời, cà phê Thanh Đa (TPHCM) nổi tiếng với những quán cà phê bờ sông trá hình, rồi “giọt nước tràn ly” khi đĩa phim nữ sinh Hoàng Hoa Thám được tung ra thị trường với cảnh nóng quay lén được thực hiện tại đây. Một tối tháng 8/2009, chúng tôi quay lại Thanh Đa, sau một thời gian tưởng rằng đã im ắng.

Vẫn tấp nập từ A đến Z
Qua khỏi ngã tư Thanh Đa, đi thẳng vào đường Bình Quới, P28 (Q. Bình Thạnh), chúng tôi đếm được trên 30 quán cà phê ven sông. Có nhiều quán nằm sâu trong hẻm được trang hoàng bằng đèn chùm. Nhân viên nam ngồi trước các quán nhanh nhẩu tiếp thị: “Vào đây đi anh!”, mỗi khi thấy những chiếc xe máy đi qua. Đi tiếp, những tên quán cà phê trá hình xuất hiện càng nhiều như: Cỏ hoa, Đ.N, 104…
Bị một thanh niên 22 tuổi chèo kéo, chúng tôi tấp xe vào quán Cỏ Hoa. Bên ngoài có hàng chục chiếc xe máy của khách với đủ biển số 50, 51, 79, 63… Đóng vai một cặp tình nhân, tôi và cô bạn đồng nghiệp nắm tay bước vào đã bị một nam nhân viên hỏi: “Anh chị dùng gì ?”. Chúng tôi nói cần một ly cà phê đá và một chai xá xị.
Một anh thanh niên khác, tay cầm đèn pin bảo chúng tôi: “Đi theo em”, rồi dắt ra sau quán. Lúc này, quán tối thui, không một bóng đèn, chúng tôi quan sát được ba dãy với những chiếc ghế nệm kiểu salon. Theo quan sát của chúng tôi, quán Cỏ Hoa đã được xây dựng lại khá khang trang. Những năm trước, quán chỉ có khu vực trang bị ghế nệm, còn hiện nay đã có thêm dãy nhà nghỉ mới xây. Mỗi phòng có giường, nệm nho nhỏ cho những khách muốn “đi tới Z”.
Dắt chúng tôi vào dãy trong cùng, anh thanh niên rọi đèn pin để… bật quạt và đốt nhang muỗi dưới chân, sau đó đòi 35.000 đồng tiền nước. Tôi cố tình đưa 50.000 đồng để anh ta rọi đèn pin… thối tiền. Ngồi chưa ấm chỗ, cách chỉ hai mét, chúng tôi trông thấy một đôi “uyên ương” đang “quấn” lấy nhau, vật vã trên chiếc ghế nệm. Chốc chốc là tiếng thở hổn hển, tiếng uống nước ừng ực, vội vàng và ánh sáng yếu ớt từ chiếc ĐTDĐ của anh chàng kia phát ra.
Tôi viện cớ đi tìm nước rửa mặt để lần vào trong thì chỉ thấy, trên những chiếc ghế da, nhiều cặp đang nhiệt tình… thể hiện. Tiếng nói khe khẽ, thỉnh thoảng là những câu nói của các cô gái vang lên: “Đừng anh, đừng làm vậy!” phát ra. Tôi đếm được 10 cặp đang nằm sõng soài. Chốc chốc, một cặp nam nữ ôm vai bá cổ nhau đi về rồi cặp khác lại kéo vào… lấp chỗ trống.
12 giờ đêm, chúng tôi ra về, bãi xe vẫn còn rất nhiều xe máy. Một cặp tình nhân tuổi teen cũng đang nổ máy xe ra về sau một đêm “mưa gió” trong dãy phòng trọ đóng cửa kín mít. Họ làm gì thì không ai biết, chỉ thấy cô gái mặt búng ra sữa lấy tay chải tóc và chỉnh trang quần áo cho ngay ngắn, trước khi về nhà. Đi qua các quán khác, tình hình cũng không khác là bao, dù bên ngoài im ắng.

Bãi đáp giá bèo
Tối hôm sau, chúng tôi quay lại khu vực này và vào thử quán N. Đây là một quán tầng rất đẹp với nhiều đèn chùm trang trí. Lúc tôi đến, quán rất đông khách, nhiều nhân viên nam đang tán gẫu trước quán làm nhiệm vụ chào mời khách.

image
Quán Điểm Nhớ

Bước vào quán, một thanh niên hỏi thượng khách ngay: “Anh chị ở dưới hay lên lầu?”. “Ở dưới đất thì tình hình “nhẹ”, còn lên lầu thì cứ vô tư đi bởi ….“trái đất này là của chúng mình” – anh nhân viên giải thích, khi thấy chúng tôi đang giả vờ ngơ ngác. Mất 30.000 đồng tiền nước, khách vào quán tự do “làm việc”, nhưng không được tới “giai đoạn cuối” như ở khu vực trên lầu, vì đơn giản giá nước ở dưới chỉ bằng nửa với trên.
Lần này, chúng tôi lại… ngồi nhìn những cặp khác “hành nghề” rất thoải mái. Một tốp thanh niên “lầm đường lạc lối” thế nào khi tưởng nơi đây là quán cà phê hóng gió dọc theo bờ sông Thanh Đa mới bước vào quán đã bị những thanh niên bảo vệ hỏi thăm là vào quán làm gì.
Lần khác, mất 50 nghìn đồng cho cả hai người, chúng tôi cũng có cớ để lên lầu với những chiếc ghế nệm đen xì trong bóng tối. Giống như các quán khác, nhân viên nam cũng dẫn chúng tôi lên lầu với đèn pin lăm lăm trong tay.
Để anh ta đi khỏi, chúng tôi quờ quạng xung quanh thì giật mình khi thấy những tiếng người, chốc chốc là tiếng xé vỏ bao cao su, tiếng vỗ khăn lạnh hừ hự.
Tôi rút điện thoại định làm vài kiểu trong khi giả vờ xem tin nhắn, ánh sáng yếu ớt từ điện thoại phát ra, tức thì nhiều tiếng nói của nam lẫn nữ vọng ra ngay, kèm những tiếng chửi bới: “ĐM. Tắt ngay điện thoại đi”. Có tiếng một cô gái nói lịch sự hơn: “Làm ơn tắt điện thoại”.
11 giờ đêm rời khỏi Thanh Đa giữa sự náo nhiệt, khi quay lại vào 3 giờ sáng, chúng tôi nhận thấy các quán vẫn đóng cửa im ỉm, không còn hoạt động, bên trong chỉ còn đèn ngủ. Không khí nơi đây trở lại yên tĩnh trong khi các quán nhậu đêm gần đó đang vào giờ… cao điểm.
Một anh xe ôm am hiểu tình hình cho tôi biết, cái khó của công an là khi ập vào kiểm tra, các quán đều có cách đối phó khi có hệ thống đèn báo động, cửa sau.
Nơi đây quả là “bãi đáp” lí tưởng cho người mua bán dâm, những cô cậu học sinh sinh viên… vì có giá quá rẻ. Chỉ cần mất 25.000 đồng cho hai người so với việc phải có CMND và 50.000 đồng tới 200.000 đồng để thuê nhà nghỉ, khách sạn.
Anh để cho em ngồi lên đùi đi, không chủ quán nói em không biết tiếp khách là bị đuổi đó”, cô tiếp viên vừa nói, vừa nhảy tót lên đùi, hai tay ôm chặt khách rồi bắt đầu “màn dạo”.

Đó là hình ảnh dễ dàng bắt gặp bên trong hàng loạt quán cà phê trá hình đang hoạt động rầm rộ tại các quận huyện vùng ven Sài Gòn.

Muôn màu cà phê vùng ven

Câu cửa miệng “ăn quận năm, nằm quận ba, la cà quận nhất…” giờ đây đã xưa đối với dân chơi “nhà nghèo” Sài Thành. Với họ, bây giờ muốn vui vẻ phải dạt về các quận ngoại ô để vừa hóng mát, an toàn mà “đào” quậy thì không thua gì thành phố, còn dễ kiếm hàng “rau sạch” với giá rẻ.

Đúng 7h tối ngày cuối tuần, theo chân thanh niên tên Tuấn, tôi được dẫn đi “tham quan” một trong hàng loạt địa điểm quán cà phê trá hình đang tồn tại ở các quận huyện vùng ven thành phố. Chưa đầy 20 phút lượn trên hai đoạn đường Nguyễn Ánh Thủ, Tô Ký (thuộc huyện Hoóc Môn, đoạn giáp ranh quận 12), ở đây có hàng chục quán cà phê “ôm” nằm san sát nhau như: P.T., M.N…, đó là chưa kể quán “gội đầu máy lạnh”, karaoke, khách sạn giá rẻ.
image

Theo quan sát, một điểm chung của quán cà phê “ôm” là chúng được dựng lên bởi những căn nhà lá lụp xụp, phía ngoài treo dãy đèn nhấp nháy lòe loẹt xanh đỏ và ngụy trang bởi những chậu cây um tùm chắn ngang trước cửa quán.

Để mục sở thị, chúng tôi chọn quán P.T. nằm trên đường Nguyễn Anh Thủ làm điểm dừng chân. Vừa dựng xe, một cô tiếp viên “mặt búng ra sữa” ra vồ vập cầm tay giả lả: “lâu lắm mới thấy anh tới thăm em nha” (mặc dù đây là lần đầu tiên tôi tới quán) rồi kéo đi ra phía sau một cái chòi ẩm thấp, bên trong những bộ bàn ghế cũ kĩ, ánh đèn mờ ảo và một cây hương muỗi…. Sau khi đưa nước ra, cô tiếp viên bắt đầu “tâm sự” hàng loạt chuyện, nhưng chủ đề chính vẫn xoay quanh vấn đề “khiêu khích” pha lẫn nhiều câu chửi thề rất tự nhiên.

Cô gái giới thiệu tên Nhung, quê ở Bạc Liêu mới vào bán được hai tháng “trước đó em bán ở quận 7, rồi về quê và bị cha mẹ ép lấy ông chồng người Hàn Quốc đã 54 tuổi, em không chịu nên bỏ trốn lên đây bán cà phê cho khỏe”, Nhung hồn nhiên cho biết. Vừa nói, cô bé vừa nhảy tót lên đùi khách ngồi, khi tôi không thích, tiếp viên này nói, “anh cho em ngồi lên đi, không chủ cho em là không biết tiếp khách sẽ đuổi đó…”.

Trong lúc nói chuyện, mặc dù cô gái luôn miệng cười nói vui vẻ để tạo không khí cho khách, nhưng đôi lúc ánh mắt Nhung vẫn hiện rõ nét lo âu, “lúc trước đi bán chủ nuôi ăn, ở và trả lương 500.000 đồng/tháng, nhưng bây giờ tụi em chỉ ăn trên tiền nước nên khó khăn lắm…”.

Cô giải thích, mỗi chai nước khách phải trả 20.000 đồng cho quán, tụi em được hưởng 5.000 đồng, còn nếu ai gặp “dân chơi” thì có thêm tiền bo nhưng thường là rất “bèo”. Thời gian làm việc của các nhân viên bắt đầu từ 9h sáng cho đến tối, có hôm đông khách thì phải tiếp đến 1h, 2h mới được nghĩ. Khổ cực là vậy, nhưng khi tôi hỏi vì sao không xin vào các công ty, xí nghiệp làm may, giày gia…cô gái bĩu môi “em từng đi làm rồi, nhưng cực khổ lắm mà tháng được mấy đồng sao đủ sống, làm thế này cho khỏe, thoải mái hơn”. Nói xong, cô gái đưa ra ví dụ, “như bà chủ em đó, hồi xưa cũng như tụi em nhưng gặp được ông khách “tốt bụng” nên thuê luôn cho cái quán, đứng lên làm chủ”.

Đang luyên thuyên nói chuyện với tôi, bất ngờ cô bé nhảy xuống chạy qua một bàn gần đó với dáng vẻ khá vội vàng. Thấy vậy, Tuấn liền cười giải thích “nó chạy qua để kiếm tiền bo đó, một đứa tiếp nhiều bàn nên khi khách kêu tính tiền là phải có mặt xem có được thưởng gì không ”. Theo quan sát, mới hơn 8h tối nhưng khoảng 20 chiếc bàn trong quán đã nằm trong tình trạng “cầu” hơn “cung”, buộc tiếp viên phải “chạy sô” khắp các bàn để phục vụ.

Muốn tới Z… cũng được chiều

Rời quán, Tuấn tiếp tục chở tôi đến một quán cà phê nằm trên đường Tô Ký, nhìn bề ngoài khá sang trọng nên ít ai có thể biết đây là quán cà phê trá hình. Thế nhưng, theo lời quảng cáo của Tuấn thì đây là quán “3 trong 1” gồm phần dành cho các đôi tình nhân vào “tâm sự”, phần cho khách uống cà phê “sờ mó” và karaoke “ôm”, vào đây muốn gì đều được phục vụ tất.

Nhìn thấy hai “thượng đế”, nhân viên phục vụ khá niềm nở hỏi chúng tôi “hai anh có nhu cầu gì để tụi em phục vụ?”. Thể hiện dân sành điệu, Tuấn liền móc trong túi ra tờ 50.000 đồng dúi vào tay anh chàng nhân viên; với bộ dạng phấn khởi, vừa dẫn chúng tôi vào “thế giới” riêng nhân viên này vừa nói “sư huynh yên tâm đi, em sẽ đưa hai “đào” mới từ quê lên phục vụ, tụi nó đang dại lắm nhưng trẻ, đẹp…nếu không thích cứ nói để em đổi”.

Ngay cửa ra vào, có khoảng gần 10 cô gái mặc trên người những bộ váy không thể ngắn hơn đang “tút” lại vẻ đẹp để chờ đón khách; lúc này chúng tôi bị đẩy vào một căn phòng tối om, khách chỉ biết ngồi yên vị một chỗ và nghe tiếng nói thầm thì từ các bàn xung quanh.

Một lát sau, cô nhân viên bước tới cầm khăn lạnh đập mạnh rồi bắt đầu “phục vụ” cho khách. Cô gái ngồi với tôi tên Lan, 17 tuổi, quê Cần Thơ, mới vào làm 1 tuần. Lan cho biết, học hết lớp 7 thì ở nhà phụ giúp gia đình, nhưng ở quê không có việc gì làm nên được đứa bạn cùng quê đưa lên rồi giới thiệu vào đây làm. Song, điều khiến tôi nghi ngờ về cô gái “mới đi làm 1 tuần” là việc quá mạnh dạn, không hề rụt rè khi sà vào lòng khách ôm rất tự nhiên. Chưa dừng lại, cô tiếp viên còn chủ động đề nghị khách “sờ mó” vô tư vì “tụi em chỉ được chủ cho ăn, ở nên phải làm tất cả theo yêu cầu của khách mới có tiền bo để sống…trừ việc tới Z”; khi tôi đánh tiếng muốn tới Z, cô nhân viên quả quyết “ở đây không có chuyện đó”.

Lấy lý do sợ người ngồi bàn bên cạnh thấy, cô gái cười chế nhạo “vào đây việc ai biết người đó chứ ai mà thèm nhìn…nếu anh sợ thì mình đi vào phòng hát karaoke sẽ thoải mái hơn”. Lát sau, tranh thủ hai nhân viên này “chạy sô” bàn khác, Tuấn rỉ vào tai tôi “anh có muốn đi thật không để em thiết kế cho, không đi khách thì tụi nó lấy gì mà sống, anh mới quá nên nó chưa dám, để em nói với tụi quản lý một tiếng là ok thôi”. Khi Lan quay vào, tôi viện lý do đang đau cổ họng, không muốn hát và đề nghị tính tiền thì Lan tỉ tê “anh cho em số điện thoại đi, có gì rảnh em gọi cho”, “không, em đưa số điện thoại cho anh” tôi nói; thì cô gái cho biết điện thoại đã mang đi cầm đồ, đang muốn kiếm tiền chuộc và hẹn gặp lại tôi lúc 11h.

Khoảng 12h, điện thoại tôi liên tục đổ chuông và hiện lên số điện thoại bàn. Bốc máy, giọng cô nhân viên mới quen cất lên “anh đi chơi không, tối nay cuối tuần khách đông quá em làm bây giờ mới xong nên điện cho anh muộn”. Nghe vậy, tôi lấy lý do đợi lâu quá, hiện đang đi nhậu ở xa và hết tiền, “khách sạn ở đây chỉ 30.000 đồng/giờ, còn qua đêm là 70.000 đồng, nếu không đưa em 4 “xị” (trăm) sẽ lo phòng qua đêm luôn”, cô gái “năn nỉ”…

Hệ lụy từ cà phê “sờ mó”

image
Trên đường ra về, Tuấn cho biết việc nhân viên chửi bới lẫn nhau vì không chia tiền bo do hai người ngồi tiếp một “thượng đế”; các quán lôi kéo “đào” đẹp, khách “choảng” nhau vì tranh giành “em út”, đánh ghen…là chuyện xảy ra thường xuyên tại các quán cà phê trá hình này. Anh chàng kể, hầu hết các quán ở đây phải có “bảo kê” chứ không sẽ bị quậy không thể bán được; phần lớn người vào đây khi đã “ngà ngà”, nếu nhân viên phục vụ không đáp ứng thỏa mãn là họ chửi bới, không trả tiền, có nhân viên còn bị khách cầm chai nước “choảng” vào đầu chảy máu phải nhập viện nhưng chủ quán không dám báo cơ quan chức năng vì sợ việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng, vụ nào nghiêm trọng quá thì chủ quán nhờ dân “anh chị” giải quyết giúp.

Quả thực đúng vậy, lúc đang ngồi trong quán cà phê, chúng tôi nghe tiếng của một cô tiếp viên chửi mắng “thượng đế” toe tua vì “đòi gì cũng được chiều mà bo chỉ có 10.000 đồng là sao, ông đi chơi kiểu đó à…đừng bao giờ mò đầu vào đây nữa nha”.

Về tính xác thực của việc săn “hàng rau sạch” ở vùng ven, Tuấn chia sẻ, một số dân chơi đồn đại, rồi kéo nhau dạt về đây để kiếm “hàng rau sạch” vì cho ở đây thường có “hàng” công nhân “làm thêm” trong thời buổi thất nghiệp, các cô gái trẻ vị thành niên nhà nghèo bỏ quê lên đây kiếm tiền nuôi sống bản thân nên ngờ nghệch, dễ lợi dụng mà giá rẻ nữa…Nhưng thực tế, những trường hợp đó bây giờ rất hiếm, nếu không cẩn thận sẽ bị dính “hàng thải”.

Theo Tuấn, “hàng thải” là những cô gái có nhan sắc, “hành nghề” lâu năm tại một số nhà hàng, quán bar, karaoke… tại trung tâm thành phố, nhưng do “không biết giữ mình” nên đã dính vào các căn bệnh xã hội…từ đó bị “má mì” đẩy ra đứng đường. Vì vậy, những quán cà phê trá hình như thế này chính là bến đỗ an toàn đối với gái mại dâm, các cô gái nhà nghèo ở quê nhưng có bản tính lười biếng, thích đua đòi...

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.